Bác sĩ Paul Brand là giáo sĩ y khoa tiên phong đến Ấn Độ, ông đã tận mắt chứng kiến vết đốm liên quan đến bệnh phong. Trong suốt buổi khám bệnh, ông chạm vào một bệnh nhân để đảm bảo với anh ta là có thể điều trị được. Nước mắt tuôn trào trên gương mặt người đàn ông. Một người đã giải thích cho Bác sĩ Brand về những giọt nước mắt ấy: “Ông đã chạm vào ông ấy, không ai làm điều đó trong suốt nhiều năm. Đó là những giọt nước mắt vui mừng.”

Khi Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ, một người bị bệnh phong đến gần Ngài, đây là cách gọi thời xưa để chỉ về các bệnh viêm da. Vì mắc bệnh này nên Luật pháp Cựu Ước buộc người bệnh phong phải sống bên ngoài cộng đồng. Nếu người bệnh tình cờ ở gần những người khỏe mạnh thì phải la lên: “Ô uế! Ô uế!” để mọi người tránh xa (Lê. 13:45-46). Do đó, người này có lẽ đã đi hàng tháng hay hàng năm mà không được tiếp xúc với ai.

Chúa Jêsus đầy lòng thương xót đã đưa tay ra chạm vào người đó. Ngài có năng quyền và thẩm quyền để chữa lành chỉ bằng một lời phán (Mác 2:11-12). Nhưng khi Chúa Jêsus đối diện với người mà bệnh tật đã khiến ông cảm thấy bị cô lập và khước từ, thì sự đụng chạm của Ngài bảo đảm với người đó rằng ông không còn cô đơn nữa nhưng được chấp nhận.

Khi Chúa ban cơ hội, chúng ta hãy bày tỏ ân điển và lòng thương xót bằng sự rờ chạm để người khác cảm nhận họ được quý trọng. Năng quyền chữa lành trong sự rờ chạm rất mạnh mẽ sẽ nhắc nhở những người đang bị tổn thương rằng chúng ta quan tâm và yêu thương họ.
Lạy Chúa Jêsus, con cảm ơn Ngài đã đến với những người bị tổn thương để bày tỏ sự quan tâm, yêu thương họ. Xin giúp con noi gương Ngài để bày tỏ lòng thương xót bằng hành động.
Sự rờ chạm xuất phát từ lòng thương xót là cách để bày tỏ sự quan tâm đến người khác.


© 2018 Lời Sống Hằng Ngày
Bác sĩ Paul Brand là giáo sĩ y khoa tiên phong đến Ấn Độ, ông đã tận mắt chứng kiến vết đốm liên quan đến bệnh phong.